Đúc kết từ kiến thức và kinh nghiệm của một thợ sửa xe ô tô chuyên nghiệp, sách Đồng hành cùng Bốn Bánh mang lại những thông tin căn bản nhất, thiết thực nhất cho người sử dụng xe. Cuốn sách gồm 12 phần, bao gồm những điều đáng lưu ý, nên làm cũng như không nên làm để giữ cho xe luôn bền bỉ và an toàn.
Mỗi phần, mỗi câu chuyện là một góc độ khác nhau, đều liên quan đến xe nhưng không nhất thiết phải đi quá sâu về chuyên ngành. Trái lại, những mối liên hệ (nếu có) với kỹ thuật đều được giải thích một cách dễ hiểu nhất, liên hệ với thực tế gần gũi nhất, giúp cho ai cũng có thể hiểu được. Bạn đọc không cần phải là thợ xe hay kỹ sư thì mới đọc được cuốn sách này.
Như đã đề cập, vì viết cho các tài xế và người sử dụng nên ngoài việc chăm sóc cho xe thì cũng cần phải lái xe an toàn. Bạn đọc ít nhiều sẽ tìm thấy những thông tin hữu ích cho cả mình và người cùng đồng hành trên xe. Có những thứ tưởng như đơn giản nhưng rủi ro lại vô cùng lớn. Ví dụ như việc thay lốp dọc đường hay cách xử lý thể nào đối với xe điện và Hybrid chẳng hạn.
Trong 12 chương của cuốn sách, có những phần mà tác giả cho rằng sẽ hữu ích với đa số mọi người gồm:
Chương số 1: Đừng bao giờ rửa khoang máy
Chương số 4: Mặt trái của đảo lốp định kỳ
Chương số 7: Túi khí là con dao 2 lưỡi
Bên cạnh đó, chương số 12: Bạn có sẵn sàng cho xe điện? cũng sẽ đem lại những kiến thức thú vị về loại phương tiện mới này.
Cuối cùng là Lời kết, mang quan điểm của tác giả về vai trò của xe điện đối với vấn đề biến đổi khí hậu. Điều này có thể còn gây nhiều tranh cãi do tính mới mẻ của loại phương tiện này nên mong có thêm ý kiến chia sẻ của độc giả.
Sơ lược về 12 chương của cuốn sách:
1. Đừng bao giờ rửa khoang máy
Phần mở đầu của cuốn sách chỉ ra những rủi ro tiềm ẩn khi bạn rửa khoang động cơ. Ngay cả khi áp dụng những biện pháp che chắn cẩn thận nhất thì vẫn không thể ngăn được nước (và cả hơi nước) len lỏi vào những vị trí trọng yếu trong khoang máy. Bên cạnh đó, cái đem lại thực sự của rửa máy vẫn còn là câu hỏi bỏ ngỏ khi cân nhắc giữa một bên là khoang máy sạch và bên kia là rủi ro hư hỏng động cơ.
2. Không chỉ có thuỷ kích
Các nhà sản xuất thường quảng cáo về khả năng lội nước của một số dòng xe song quảng cáo thì vẫn chỉ là quảng cáo. Sự thật đằng sau những tuyên bố đó nên được nhìn nhận một cách hết sức thận trọng. Đôi khi một nửa sự thật đằng sau đó thường không được nhắc tới. Phần này hé lộ “vế sau” của việc lội nước và đưa ra lời khuyên cho bạn nếu buộc phải lái xe qua chỗ ngập.
3. Khác biệt giữa điều hoà xe hơi và điều hoà nhà
Về nguyên lý hoạt động, điều hoà xe hơi hay điều hoà gia dụng cơ bản là giống nhau. Tuy nhiên, do điều kiện vận hành khác nhau nên điều hoà xe hơi đòi hỏi phải có cách chăm sóc phù hợp. Đáng tiếc là cho tới nay (2024) đa phần các xưởng dịch vụ và cả hãng xe vẫn chưa đưa hạng mục này vào quy trình bảo dưỡng tiêu chuẩn. Trong khi đó, ở Châu Âu thì dịch vụ này đã trở nên phổ biến vì nó không chỉ đảm bảo hiệu quả của riêng hệ thống điều hoà mà còn liên quan tới sự vận hành của xe. Bằng liên hệ thực tế vô cùng đơn giản, chương 3 của cuốn sách sẽ lý giải tại sao hạng mục này lại quan trọng đến vậy và định kỳ bao lâu thì nên làm một lần. Đồng thời sách cũng chia sẻ cách chọn xưởng dịch vụ để biết họ có khả năng thực hiện hạng mục này hay không.
4. Mặt trái của đảo lốp định kỳ
Chương 4 nói về việc bạn có nên đảo lốp định kỳ hay không. Đây là vấn đề gây tranh cãi vì hạng mục này gần như đã trở thành tiêu chuẩn của nhiều xưởng dịch vụ chính hãng cũng như chuỗi hệ thống lốp. Tuy nhiên cái gì cũng phải có nguyên do của nó và hơn hết, cái gì cũng có hai mặt. Chương 4 của cuốn sách sẽ tập chung vào khía cạnh ít người để ý tới, chính là mặt trái của đảo lốp định kỳ. Qua đó bạn sẽ thấy chưa hẳn cứ đảo lốp là tốt cho mọi trường hợp.
5. Đậu xe lâu ngày cần lưu ý gì?
“Nếu có dịp tham quan bảo tàng Mercedes-Benz ở Stuttgart – Đức, bạn sẽ thấy tất cả các xe đang trưng bày trong đó, dù mới hay cũ, xe cổ hay xe hiện đại, đều được đổ đầy nhớt tới tận nắp máy. Nói cách khác, mọi chi tiết trong động cơ và hộp số đều ngập trong dầu nhớt thay vì chỉ một phần dưới đáy các-te như xe đang chạy ngoài đường.“
Tại sao lại như vậy? Câu trả lời sẽ được tìm thay trong phần 5 của cuốn sách. Qua đó bạn sẽ hiểu hơn về nhiệm vụ và cơ chế hoạt động của dầu nhớt cũng như việc nên làm khi xe đắp chiếu tại chỗ.
6. Xe hơi và đô thị
Khác với những chiếc xe nằm phủ bát ngày này qua tháng khác (trong phần 5), xe chạy liên tục chưa chắc đã là những chiếc xe khoẻ mạnh, nhất là khi chúng ở những trong đô thị lớn như Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh. Phần 6 sẽ chỉ ra “mầm bệnh” trên những chiếc xe hơi đô thị và phương pháp “tập luyện” như thế nào để giúp chúng không bị xuống cấp nhanh chóng.
7. Túi khí là con dao 2 lưỡi
Chương này sẽ đưa ra một khái niệm hoàn toàn khi đề cập tới các vụ tai nạn xe hơi: Va chạm 3 trong 1.
Qua đó sự nguy hiểm của túi khí sẽ được giải thích cụ thể và hơn nữa là lý do tại sao túi khí trên xe hiện đại còn nguy hiểm hơn xe ngày xưa. Bạn cũng sẽ biết tại sao người ta lại gọi nó là SRS – Airbag (Secondary Restraint System) nghĩa là hệ thống hãm bổ sung chứ không phải hệ thống hãm chính. Và nếu nó là hệ thống hãm bổ sung, là cái thứ hai thì hệ thống hãm chính, cái thứ nhất hay cái Primary nằm ở đâu?
8. Khi xe trục trặc dọc đường
Xe hư hỏng dọc đường không chỉ là vấn đề của bản thân cái xe mà còn là rủi ro của tất cả hành khách trên đó. Dừng xe ngoài quốc lộ hay trên cao tốc, nơi cho phép chạy tối đa tới 120Km/h, chiếc xe của bạn sẽ trở thành vật cản giữa dòng nước xiết, chỉ chờ có va chạm xảy ra mà thôi.
Chương 8 sẽ chỉ ra những rủi ro mà bạn có thể gặp phải khi xe gặp vấn đề và cách xử lý lấy an toàn là trên hết.
9. Làm gì (hay không nên làm gì) khi đi sửa xe?
Từ góc nhìn của một thợ sửa xe chuyên nghiệp, tác giả chia sẻ những điều mong mỏi của giới thợ đối với các chủ xe. Xe càng hiện đại thì mọi thứ càng phức tạp nên cũng như việc đi khám bác sĩ, người bệnh mà bất hợp tác thì bác sĩ, dù giỏi đến mấy, cũng sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong việc chẩn đoán và chữa trị.
10. Dùng dầu nhớt nào?
Việc chọn dầu nhớt đã từng là vấn đề sở thích cá nhân hơn là đòi hỏi khắt khe về kỹ thuật. Song trước những quy định ngày càng chặt chẽ về môi trường, nhiều hãng buộc phải tiên phong cho ra những kiểu động cơ mới. Hệ quả tất yếu là dầu nhớt cũng phải được nâng cấp tương ứng để theo kịp xu hướng mới. Phần này sẽ giải thích sơ lược về các loại nhớt và nêu ra những điểm cần lưu ý khi chọn dầu nhớt cho xe, nhất là xe động cơ dầu Diesel Euro 5 trở về sau.
11. Khi nào Hybrid tốn xăng hơn xe thường?
Hybrid đang trở thành xu hưỡng mới trong những năm gần đây. Mang trên mình 2 loại động cơ, xe Hybrid cần có cách đối xử khác nhiều so với xe truyền thống. Những lưu ý khi sử dụng để tránh làm hư hỏng hệ thống điện cũng như việc làm sao khai thác tối đa vai trò của động cơ điện,… là những gì chương này đem đến cho các chủ xe Hybrid.
12. Bạn có sẵn sàng cho xe điện?
Pin cao thế (High Voltage Battery) không phải là thứ duy nhất đắt đỏ trên một chiếc xe điện. Những bộ phận khác cũng đắt đỏ không kém, đôi khi có giá gần bằng cả bộ pin. Đó là những chi tiết nào? cách thức vận hành ra sao? Bên cạnh đó, việc dùng xe và chiến lược sạc pin như thế nào để vừa an toàn, vừa hiệu quả kinh tế,… là những chủ đề sẽ được chia sẻ trong chương cuối của cuốn sách này.
Lời kết
Khép lại cuốn sách này là quan điểm của tác giả về mặt trái của những chính sách bảo vệ môi trường và yêu cầu an toàn đối với xe hơi. Những quy định ngặt nghèo (chủ yếu) đến từ các quốc gia Châu Âu, theo đó, xe điện nổi lên như chìa khoá cho mọi vấn đề. Nhưng liệu nó có sửa chữa được những thiệt hại về môi trường mà con người đã tạo ra hay không? Hay đó chỉ là cái vòng luẩn quẩn, xuất khẩu ô nhiễm từ nơi này sang nơi khác mà thôi?
“Chỉ số phát thải CO2 là lý do (hoặc là cái cớ) để người ta đặt cược vào xe điện như một giải pháp chống biến đổi khí hậu toàn cầu. Nhưng xe điện chỉ thực sự xanh khi nguồn điện của nó xanh, tức là nếu dùng nhiệt điện than để sạc pin thì lượng CO2 thải ra có khi còn lớn hơn cả xe chạy xăng/dầu thông thường.”
Thông tin xuất bản:
Minh họa nội dung và trang bìa:
Trần Hoàng Nam & Lê Việt Phương
(info.antzcreative@gmail.com)
Bản quyền sách, minh họa nội dung và trang bìa:
Trần Linh Tường
(linhtuongtran@gmail.com)
ISBN: 9798866323562